Hàng trăm nhà tâm linh vào cuộc cũng không ngăn được thảm họa kinh hoàng.
Kỳ 5: Thầy cúng bỏ chạy
Sau cái chết bất đắc kỳ tử của bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh, cùng hàng loạt người bất tỉnh nhân sự tại lễ cúng trăm ngày ông Trần Văn Rạng, thì đại gia đình và nhân dân xóm 9 (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) hoang mang tột độ. Không khí và khung cảnh ngôi làng thoi loi giữa cánh đồng khi đó quả thực vô cùng nghiêm trọng. Hàng trăm nhà tâm linh vào cuộc cũng không ngăn được thảm họa kinh hoàng.
Khoa học bó tay
Sự việc kỳ lạ này không còn giới hạn trong xóm 9, mà đã lan ra khắp tỉnh. Đích thân bà Hà Thị Lãm, khi đó đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã nhiều lần về tận nơi, chỉ đạo sát sao các lực lượng chức năng cùng vào cuộc, đảm bảo an ninh trật tự, tuyên truyền để bà con an tâm sinh sống. Lực lượng công an cũng vào cuộc điều tra, truy tìm nguyên nhân những cái chết xảy đến với gia đình ông Trần Văn Rạng.
Anh Trần Văn Việt nhớ lại: “Hồi đó, tôi chỉ là thằng bảo vệ quèn ở một nhà máy, mà công an chìm nổi bám theo suốt. Có hôm, đi ăn sáng, đã thấy mấy ông ngồi phía xa, lúc thì trong vai xe ôm, lúc ngồi quán nước, lúc lượn lờ ngay cạnh, có lúc hở cả súng ở cạp quần. Đến nỗi, đêm hôm mò đi ăn bát cháo, mà cũng có mấy người đi theo. Tôi biết thừa họ theo sát ngày đêm để tìm xem có ai ám hại những người trong gia đình tôi không, nhưng chẳng có đâu, vì cái thảm kịch nhà tôi là chuyện tâm linh, chứ nhà tôi có làm ăn, lừa đảo ai cái gì đâu mà có kẻ ám hại”.
Tìm hiểu từ những gia đình hàng xóm nhà ông Rạng, như nhà ông Nguyễn Văn Thung, bà Nguyễn Thị Tuyết, thì đúng là thời điểm đó có rất nhiều cán bộ an ninh đã túc trực ở nhà dân trong xóm suốt ngày đêm để nắm tình hình.
Có tới mấy chục nhà khoa học cũng vào cuộc. Các nhà nghiên cứu đã về tận nơi lấy mẫu vật đất xung quanh nhà, lấy nước trong bể, nước ở ruộng, nước giếng đem đi phân tích. Họ còn lấy rau cỏ trong vườn, ngoài ruộng, mẫu gạo, thóc trong nhà đem đi. Thậm chí, một nhóm nhà khoa học đã chuyển các mẫu đất ra nước ngoài để phân tích, tìm nguyên nhân, tốn kém cả tỷ bạc, số tiền rất lớn ngày đó.
Ông Nguyễn Văn Thung, là anh trai bà Đào, tức anh vợ ông Rạng nhớ lại: “Hồi đó, ngày nào tôi cũng phải đón tiếp, trả lời mấy nhà khoa học. Họ cứ hỏi đi hỏi lại, vặn vẹo lung tung, đến nỗi tôi từ chối không muốn tiếp nữa. Có lúc tôi phải bảo các anh thông cảm, từ sáng đến chiều tôi cứ tiếp các anh, chưa được ăn miếng nào, tôi mà ngã ra đây, thì các anh cũng không tìm được nguyên nhân nào đâu, lại chỉ gây thêm hoang mang dư luận mà thôi”.
Thời điểm đó, cán bộ điều tra đã thu thập mấy miếng vỏ thuốc trừ sâu vứt ở bờ ruộng, cạnh nhà ông Trần Văn Rạng. Từ việc thu thập mẫu vật đó, mà người dân đồn ầm lên rằng có việc bỏ độc giết người do thù oán. Tuy nhiên, lời đồn này nhanh chóng bị loại bỏ. Cảnh sát điều tra không tìm ra nguyên nhân, động cơ gây án nào. Gia đình ông Rạng chỉ làm thuần nông, không có mâu thuẫn với ai trong làng ngoài xóm. Những vỏ thuốc trừ sâu chỉ là do người dân bỏ lại bờ mương khi pha thuốc phun ruộng lúa, đó là việc hết sức bình thường ở vùng quê lúa.
Trong quá trình diễn ra thảm kịch, các nhà khoa học cũng không tìm được bất cứ loại chất độc nào tồn tại trong mẫu nước, đất, rau, củ, quả ở nhà ông Rạng. Điều này cũng đã được các bác sĩ khẳng định lại bằng việc không tìm ra chất độc nào trong máu những nạn nhân tự dưng lăn ra ngất, co giật, chết. Tóm lại, những kết luận của bệnh viện trong quá trình điều trị cho các nạn nhân nhà ông Rạng, chỉ là suy nhược cơ thể, huyết áp không đều…
Rất nhiều chuyên gia, với máy móc hiện đại cũng đã được điều về nhà ông Rạng để đo phóng xạ khu vực sinh sống. Tuy nhiên, người ta cũng không phát hiện ra điều gì bất thường ở mảnh đất này.
Nhiều chuyên gia phong thủy về đây còn khẳng định, mảnh đất với cây cỏ tốt tươi thế này thì không thể có tia đất xấu, phong thủy xấu. Trong con mắt của các nhà phong thủy, mảnh đất nhà ông Rạng có tới 2 mặt là cánh đồng, thoáng mát, sạch sẽ, trong lành, là chỗ đắc địa để sinh sống.
Và cho đến tận hôm nay, các kiến thức, trí tuệ cũng đã đều bó tay trước những cái chết kỳ lạ này. Câu trả lời cho những cái chết xảy đến với gia đình ông Rạng vẫn được gia đình, xóm làng, kể cả chính quyền địa phương mong chờ. Không có được kết luận chính xác, thì người dân, với vốn hiểu biết chưa ra khỏi lũy tre làng, chỉ có thể đổ cho nguyên do “thánh vật”.
Không biết bấu víu vào đâu, đại gia đình ông Rạng chỉ biết trông chờ vào những ông thầy cúng, thầy bùa. Nhưng khi sự việc trở nên đình đám, họ Trần ở làng này không phải đi tìm thầy nữa, mà thầy cúng, thầy pháp, thầy bùa, nhà ngoại cảm ở khắp cả nước tự đến tìm cách hóa giải kiếp nạn giúp gia đình.
Những nhà tâm linh kỳ lạ
Khi gia đình ông Rạng liêu xiêu, thì ông Nguyễn Văn Thung và ông Trần Văn Lưu là người đứng ra lo liệu mọi việc cho gia đình ông Rạng, kể cả mặt tâm linh. Ông Thung bảo, suốt thời điểm kéo dài cả năm trời, ông không nhớ nổi đã có bao nhiêu thầy bà đến giúp, có lẽ con số phải lên đến cả trăm người.
Có những hôm, thầy cúng, thầy tâm linh nhiều đến nỗi ngồi kín nhà, tràn ra cả sân, vườn. Họ tự chuẩn bị lễ, tự lo ăn uống và làm việc thiện giúp gia đình, chứ gia đình ông Rạng khi đó người chết, kẻ bệnh, kinh tế cạn kiệt, không còn sức lực nào để lo cho những ân nhân đó nữa.
Trong số những ông thầy cúng, thì gia đình ông Rạng ấn tượng nhất với ông Phương ở xã Vũ Đông. Ông này vốn được mời đến để lo phần âm giúp gia đình ông Rạng ngay từ những ngày đầu.
Hôm trăm ngày ông Rạng, thầy Phương cũng được mời đến. Sau khi cúng bái, ông này tuyên bố hăng lắm. Ông nói, chỉ có ông mới trị được, không ai làm được chuyện này. Thế nhưng, ông vừa tuyên bố xong, thì hàng loạt người lăn ra bất tỉnh, người chết tại chỗ, người chết ở bệnh viện, người phải đi cấp cứu.
Sau sự việc đó, ông Phương cũng quay lại làm tiếp. Ông lập đàn ngũ phủ 5 tầng, lễ bái ghê gớm ở ngôi miếu. Tuy nhiên, đang đốt nhang, lửa cháy đùng đùng, tin rằng sức mình không làm nổi, ông này bỏ chạy thoát thân, không dám quay lại nữa.
Sau khi bà Đào chết được vài hôm, thì mấy chục người đi trên một xe khách lớn đến tận nhà ông Rạng. Họ giới thiệu là hội tâm linh ở mãi TP.HCM. Họ không hỏi gia đình điều gì, cũng không làm phiền đến gia đình. Họ chỉ xin một chỗ trong sân để làm lễ.
Ông Thung kể: “Tôi tiếp xúc với một người trong hội đó, thì họ bảo do bề trên yêu cầu họ về tận làng để giúp gia đình ông Rạng tai qua nạn khỏi. Mấy chục người ngồi thành hàng thành lối. Không ai nói câu gì. Họ tụng kinh hộ niệm hay giải nghiệp gì đó trong vòng 30 phút. Làm lễ xong, họ bảo gia đình cứ yên tâm sinh sống, từ này không phải lo lắng chuyện “ma hành, thánh vật” nữa. Họ đã giải hoàn toàn nghiệp chướng cho gia đình.
Nói xong, họ ra xe rồi vào thẳng Sài Gòn. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao họ lại nhiệt tình như thế. Họ đi về vất vả mấy ngày trời chỉ để ngồi tụng kinh mấy chục phút. Nhưng rồi, công sức của họ cũng công cốc. Những người trong gia đình ông Rạng, rồi hàng xóm vẫn cứ lăn ra giãy đành đạch, người chết, người phải đi viện cấp cứu”.
Trong số các nhà tâm linh, còn có một người phụ nữ, là tiến sĩ, cô này được các đệ tử đi theo giới thiệu là đã có nhiều năm học ở Trung Quốc, chuyên trị các vấn đề tâm linh. Cô này dùng nhiều máy móc đo đạc, rồi ngồi trước ngôi miếu tập trung tư tưởng, “gọi thần linh” lên “nói chuyện”. Cách làm của cô này vừa mang tính khoa học, vừa tâm linh huyền bí. Suốt một ngày trời cô loay hoay làm lễ, cúng bái, “nói chuyện với các đấng tối cao” ở chỗ ngôi miếu sát bờ ao, nhưng rốt cục cũng chẳng mang lại kết quả gì.
Rồi một ông sư mặc áo vàng, từ trong Nam ra. Ông này đến một mình, mang theo một chiếc chuông nhỏ, một chiếc coong đồng. Ông ngồi theo tư thế kiết già ở giữa sân. Trời nắng trang trang mà vị sư này không thèm che ô, đội mũ, cứ ngồi dưới cái nắng như đổ lửa, rồi hơi nóng hầm hập bốc lên từ sân gạch.
Nhiều người nhìn cảnh ấy mà xót xa, muốn đem ô, đem mũ, thậm chí dựng căn lều ở chỗ vị thiền sư ngồi, song ông từ chối. Ông yêu cầu gia đình không được giúp đỡ ông, cũng không được làm phiền ông, cứ coi như ông không có mặt ở mảnh đất này.
Sau khi phơi nắng suốt một ngày, đến chiều trời nổi giông gió, mây đen ùn ùn kéo đến, rồi mưa như trút nước. Tuy nhiên, vị sư với dáng người còm nhom vẫn ngồi bất động. Miệng ông niệm rất nhỏ, như thể chỉ để ông nghe thấy. Thi thoảng ông vươn tay gõ vào chiếc coong đồng kêu coong coong.
Nhiều người nhìn cảnh vị sư dãi nắng dầm mưa mà không khỏi xót xa, rơi nước mắt. Nhiều người không vái thánh thần ở ngôi miếu, mà cứ xì xụp khấn vái vị sư kỳ lạ nọ. Điều kỳ cục là ông cứ ngồi kiết già giữa sân như thế đến tận sáng hôm sau.
Đến khoảng 9 giờ sáng, đúng thời điểm ông bắt đầu kiết già hôm trước, tức là đủ 24 giờ thì ông đứng dậy. Trong suốt thời gian đó, vị sư này không ăn, không uống, cũng không nói với ai câu gì. Lúc ông hoàn thành công việc, ông cũng không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Ông chỉ chắp tay vái chào những người trong gia đình, nói hai chữ “Mô Phật”, rồi quay gót đi. Ngoài đầu đường làng, chiếc xe con sang trọng đã mở cửa sẵn chở vị sư kỳ lạ này đi.
Hành động kỳ lạ của vị sư khiến mọi người đều nghĩ đó là một vị thánh. Ai cũng tin rằng, vị thánh đã đến đất này hóa giải mọi kiếp nạn. Nhưng thật trớ trêu, là sau khi ông sư này đi, thì không những kiếp nạn trong đại gia đình ông Rạng không được hóa giải, mà tiếp tục diễn ra cái chết của anh Trần Văn Út. Sau một thời gian nằm Bệnh viện Bạch Mai, thấy sức khỏe hồi phục, nên các bác sĩ cho về. Về nhà hôm trước, hôm sau anh Út lăn ra đột tử.
Ngay sau hôm anh Út chết, thì một nhóm tâm linh gồm 40 người, là các Phật tử từ Hà Nội về, do một vị sư dẫn đầu. Cảm động với tấm lòng của các Phật tử, con cháu gia đình ông Rạng đã đề nghị mổ gà, làm cơm, nhưng họ đều từ chối. Họ chỉ nhờ gia đình nấu cho mấy nồi nước lã.
Họ đề nghị gia đình không được giết con gì, không được sát sinh trong thời điểm họ tổ chức buổi tụng kinh và trong mấy ngày tới. Nhóm Phật tử này cứ ngồi như vậy đọc kinh từ chiều đến tận sáng hôm sau. Họ không ăn, cũng không ngủ, không nghỉ ngơi gì cả.
Ông Thung kể: “Thấy mấy chục bà, người già, người yếu, mà ngồi tụng kinh từ chiều đến sáng hôm sau, tôi lo lắng lắm. Khuyên họ nghỉ ngơi, ăn uống không được, tôi mắng rằng, các thầy không ăn uống uống gì thì sống thế nào được. Nếu các thầy không chịu ăn uống, nhỡ lăn ra chết thì chúng tôi chôn sao cho xuể. Thú thực, lúc đó tôi cũng sợ họ lăn ra co giật, bất tỉnh. Từng ấy người mà bị một lúc, thì gia đình chúng tôi làm sao mà lo được”. Sáng hôm sau, họ bảo đã cúng xong, rồi đi luôn.
Vị “Thánh” xuất hiện?
Trong số những thầy cúng, thầy bùa, thầy pháp, nhà tâm linh, thì có một ông thầy rất kỳ lạ tên Khương.
Bữa đó, vào buổi chiều, có một người đàn ông chừng 40 tuổi, rất to béo, nhưng ăn mặc rách rưới, da ngăm đen, tướng tá đặc nông dân lam lũ. Thế nhưng, đôi mắt anh rất sáng, toát lên vẻ hiền từ.
Gặp mọi người trong gia đình ông Rạng, anh này từ tốn bảo: “Thưa các thí chủ. Tôi không biết các thí chủ là ai, tên là gì, nhưng tôi biết rõ đại họa xảy đến với gia đình thí chủ. Thánh đã cử tôi phải trực tiếp về đây để giải quyết chuyện này”.
Theo lời kể của người đàn ông giới thiệu tên là Khương này, thì anh ta quê ở mãi Bình Phước, giáp biên giới Campuchia. Gia đình anh này có mấy héc-ta trồng cao su cùng với 4 héc-ta trồng cam, quýt. Từ xưa đến nay, anh này vốn không tin những chuyện tâm linh, thậm chí, anh còn không thờ cúng gì cả.
Sinh ra ở vùng núi non biên giới, mới về Sài Gòn đôi lần, chưa ra miền Bắc bao giờ, nên tỉnh Thái Bình ở đâu anh cũng chẳng biết. Thế nhưng, theo lời kể của anh, hôm đó, anh cùng gia đình đang tiến hành thu hoạch cam, trong giấc ngủ trưa chập chờn tại gốc cây bóng mát giữa rẫy cam, thì một vị “Thánh” râu tóc bạc phơ xuất hiện trước mặt rõ mồn một. Lúc đó, rồi cả sau này, anh cũng không giải thích được đó là giấc mơ, hay là sự thực hiển nhiên trước mắt.
Khi anh đang ngủ, thì ông cụ xưng là “Thánh” này đánh thức anh dậy. Vị “Thánh” này nói: “Tôi là Thánh và tôi đề nghị anh phải lập tức ra Thái Bình giúp đỡ một gia đình đang gặp cảnh chết chóc thảm hại”. Anh Khương bảo: “Tôi có mấy héc-ta cam đang thu hoạch làm sao bỏ đi được? Với lại, tôi đầu tư hết tiền bạc vào vườn cam này, còn đang nợ nần chồng chất, một xu dính túi không có, thì làm sao đi xa thế được”.
Ông cụ râu tóc bạc phơ này nói tiếp: “Anh cứ đi, sẽ có xe đưa xe đón, có người cho tiền để ăn”.
Không biết lời kể của vị thầy pháp này có đúng không, nhưng theo anh ta thì hàng loạt điều kỳ lạ đã xảy ra. Khi anh ta ra khỏi rẫy, thì gặp một anh lái xe tải trong ấp có việc xuống Sài Gòn. Anh lái xe đã mời anh Khương cùng đi cho vui. Anh ta đã chở anh Khương đến tận bến xe Miền Đông.
Anh này tìm xe khách về tận Thái Bình. Khi xe chuyển bánh, bà chủ xe, người thu tiền đã trò chuyện với anh. Anh này tâm sự thật về chuyện có một vị “Thánh” bảo cứ ra Thái Bình, để giúp một gia đình đang gặp đại nạn, chết chóc liên tục, chứ bản thân anh cũng chưa biết đi đâu.
Nghe anh này kể vậy, bà chủ xe tái mặt. Hóa ra, bà chủ xe này là người ở xã Vũ Tây, biết rõ chuyện “ma hành, thánh vật” đang gây náo loạn trong tỉnh. Bà khẳng định rằng, “Thánh” hiển linh chỉ anh về xã Vũ Tây cứu giúp đại gia đình ông Trần Văn Rạng.
Mặc dù đã chuẩn bị một chút tiền trong túi, nhưng khi trả tiền, bà chủ xe này nhất định không lấy. Không những thế, bà còn trả tiền ăn cho anh trong suốt hành trình. Bà chủ xe này nhất nhất xưng là con, gọi anh ta bằng cậu.
Khi về đến bến xe Thái Bình, bà kêu xe ôm chở anh về tận nhà ông Rạng và trả tiền trước cho xe ôm. Bà cũng hẹn “cậu” có mặt ở bến xe vào mấy hôm nữa, để bà đưa “cậu” vào Sài Gòn, lo cho “cậu” về đến tận Bình Phước mà không mất bất cứ đồng nào.
Nghe câu chuyện về ông thầy pháp tên Khương này, con cháu ông Rạng hết sức cảm kích. Anh này không đòi hỏi gì, cũng không yêu cầu gia đình phải phục vụ cơm nước. Theo lời anh ta, bình thường anh ăn rất khỏe, mỗi bữa 4-5 bát cơm không biết no, thế nhưng, thời gian ở nhà ông Rạng, anh từ chối mọi đồ ăn. Đến bữa, anh này chỉ hái mấy quả mướp ở vườn nhà ông Rạng luộc ăn, rồi lại ngồi kiết già, nhắm mắt nói bằng thứ tiếng mà không ai hiểu gì.
Bản thân anh này, lúc tỉnh táo lại, cũng không biết anh đã nói gì. Anh bảo rằng, khi ngồi nhắm mắt, vị “Thánh” đã nhập vào anh, nói thay anh. Khi đó, anh không điều khiển được lý trí của mình. Theo kế hoạch mà vị “Thánh” kia sai bảo, thì việc cúng bái tại nhà ông Rạng phải diễn ra liên tục 3 ngày 3 đêm.
Tuy nhiên, đến buổi chiều ngày thứ 2, ông trưởng thôn Phạm Văn Đ. xuất hiện trong tình trạng say xỉn. Ông trưởng thôn đã tuyên bố đuổi thẳng cổ tất cả thầy cúng, thầy pháp khỏi nhà ông Rạng, ra khỏi ngôi làng do ông quản lý.
Ông thầy pháp tên Khương bảo: “Tôi làm việc nghĩa, không lấy đồng nào của gia đình, đến cả lễ lạt cũng tự tôi bỏ tiền sắm sửa, tôi cũng không làm phiền đến làng xóm, cớ gì anh đuổi tôi?”.
Không bắt bẻ được gì, ông trưởng thôn bỏ đi. Tuy nhiên, lát sau ông quay lại với chiếc gậy trên tay. Ông trưởng thôn cứ cầm gậy chọc vào ông thầy pháp này. Đúng lúc đó, tại nhà ông Rạng xuất hiện thêm mấy nhà tâm linh nữa. Thế nhưng, ông trưởng thôn đã đuổi họ về hết.
Không thể tiếp tục cúng bái, thầy pháp tên Khương này buộc phải rời nhà ông Rạng. Anh ta đi bộ từ xã Vũ Tây lên bến xe Thái Bình. Một người con của ông Rạng đã phóng xe máy đuổi theo nhưng không kịp. Vị thầy pháp bí ẩn đã lên xe đi mất.
Câu chuyện về ông thầy pháp này có lẽ sẽ không để lại nhiều dấu ấn, bởi trong thời gian đại gia đình ông Rạng diễn ra nhiều chuyện liêu xiêu, có tới cả trăm nhà tâm linh tìm đến giúp đỡ một cách tự nguyện, nếu không có chuyện mấy năm sau, vị trưởng thôn này qua đời một cách kỳ quái – như đồn thổi của người dân trong làng.
Ông Khiết, Phó chủ tịch UBND xã Vũ Tây: “Hồi gia đình ông Rạng gặp chuyện đau lòng, tôi đang làm Trưởng Công an xã Vũ Tây. Nguyên nhân nào khiến đại gia đình này có nhiều người qua đời thì tôi không nắm được. Lúc đó, các nhà khoa học vào cuộc, chính quyền cũng vào cuộc, nhưng chưa tìm được nguyên nhân. Lực lượng công an cũng điều tra, tìm hiểu nhưng không tìm thấy dấu hiệu hình sự. Chuyện gia đình ông Rạng cũng đã trôi qua rồi, chúng tôi đã tuyên truyền để người dân hiểu, không ai còn lo lắng, sợ hãi nữa. Cuộc sống của người dân trong vùng cũng đã ổn định từ mấy năm nay.
Còn tiếp…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét