Kỳ 4: Trăm ngày cha và đại tang liên tiếp
Dựng lại miếu thiêng
Sự việc anh Trần Văn Viết chết kỳ lạ, rồi vật nuôi chết chóc sạch sẽ, khiến đại gia đình ông Trần Văn Rạng (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) hoang mang tột độ. Lời đồn do phá miếu thiêng, nơi con rắn trú ngụ khiến không chỉ đại gia đình này, mà cả khu dân cư sợ hãi. Tuy nhiên, chỉ đến khi xảy ra cái chết của ông Trần Văn Rạng, thì nỗi sợ hãi mới dâng cao khủng khiếp.
Anh Trần Văn Việt kéo tôi đến nơi chiếc tủ cũ kỹ, rồi chỉ vào tấm ảnh thờ, chụp chân dung anh Trần Văn Út. Nhìn vào tấm ảnh, tôi không khỏi sững sờ, vì tấm ảnh đã bị biến dạng.
Quan sát kỹ, thì rõ ràng là tấm ảnh bị ẩm mốc, đã khiến khuôn mặt anh Út trong ảnh bị biến dạng. Tuy nhiên, theo lời anh Việt, thì khuôn mặt anh Út đã biến thành… rắn hổ chúa. Anh Việt cũng khẳng định đó là hình dạng của con rắn xuất hiện ở ngôi miếu khiến đại gia đình anh loạn lạc.
Theo lời kể của anh Trần Văn Việt, ngay khi anh cả tên Viết qua đời, mọi việc xây dựng nhà cửa đình lại. Ông bà Rạng cùng con cháu chạy ngược xuôi tìm thầy, cúng bái ghê gớm, với mong muốn được tai qua nạn khỏi. Nhiều thầy cúng đã đến tận nơi làm lễ, trấn yểm, và đại gia đình đã lấy lại niềm tin, đỡ sợ hãi hơn.
Giải quyết xong chuyện tang ma cho anh Viết, thì gia đình bàn tính chuyện tiếp tục cất nóc nhà anh Út. Tuy nhiên, việc này chưa kịp thực hiện, thì ông Rạng có biểu hiện lạ.
Ông Rạng từng đi bộ đội, ra sống vào chết, tuy nhiên, ông may mắn là không bị thương tích gì, cũng không bị nhiễm chất độc hóa học. Về quê, ông làm nông dân, dù tuổi cao, nhưng sức vóc vẫn như thanh niên. Ông Rạng vốn không tin chuyện thánh thần, ma quỷ, tuy nhiên, những sự kiện kỳ lạ diễn ra liên tiếp với gia đình, khiến ông không khỏi hoang mang, nên cũng tin vào chuyện cầu cúng, lễ bái.
Thật khó có thể tin nổi, rơi vào hoàn cảnh đó, ông Rạng lại có biểu hiện lạ, tâm tính thay đổi, thi thoảng lại rơi vào trạng thái vật vờ, ngờ nghệch. Sức khỏe ông cứ yếu dần. Gia đình hết sức lo lắng, liên tục đưa ông đi bệnh viện mỗi khi ông kêu mệt, hay tay chân run lẩy bẩy. Các bác sĩ làm đủ các loại xét nghiệm, chiếu chụp, đều chẳng tìm ra căn nguyên bệnh tật từ cơ thể ông Rạng.
Ông Rạng vốn thi thoảng cũng uống rượu, nhưng mỗi bữa chỉ 1-2 chén. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông uống rượu nhiều hơn. Dường như ông uống để muốn quên đi nỗi sợ hãi, lo lắng, hoặc để khỏi phải suy nghĩ về những hiện tượng kỳ cục đang diễn ra với gia đình mình. Cái gì đến cũng đã đến, đúng 1 tháng sau ngày con trai Trần Văn Viết mất, ông Trần Văn Rạng đã đột ngột qua đời, sau một cơn co giật cứng người giống hệt anh Trần Văn Viết.
Cái chết của ông Rạng khiến đại gia đình hoang mang cực độ. Con cháu ở khắp trong Nam, ngoài Bắc đã tụ họp về nhà. Lễ tang ông Rạng diễn ra long trọng, tiếng khóc lóc thảm thương của con cái khiến xóm làng rơi lệ.
Tang gia bối rối xong, đại gia đình họ Trần họp lại và tiến cử ông Trần Văn Lưu, là chú ruột ông Rạng, trưởng chi họ Trần trong gia đình, đứng ra lo liệu mặt tâm linh. Sau khi gặp gỡ nhiều thầy bà, ông Lưu đã mời được thầy Dược ở xã Vũ Đông (TP. Thái Bình).
Ông Dược không chỉ là thầy cúng nổi tiếng trong tỉnh, mà còn nổi tiếng với tài xem phong thủy, địa lý, trấn yểm long mạch. Sau khi làm lễ lớn tại điện ở nhà mình, ông Dược xuống tận nhà ông Rạng. Ông thầy này bỏ mấy ngày liền đi khắp khu vực, tìm hiểu từng gốc cây, bụi cỏ, đền, miếu, ao, mương. Ông kết luận rằng, ngôi miếu mà các cụ nhà ông Rạng dựng nên trong phần đất nhà mình, thực ra là để trấn yểm long mạch. Việc phá ngôi miếu đã vô tình làm hỏng long mạch, nên theo ông ta, chuyện chết chóc tất yếu xảy ra.
Ông thầy này cũng lớn tiếng khẳng định rằng, may mắn gia đình gặp được thầy cao tay, nếu không thì sẽ chết hàng loạt. Sau lễ cúng linh đình, xin thần linh thổ địa bỏ qua sự mạo phạm của người trần mắt thịt, có mắt như mù, ông đã xem xét kỹ lưỡng và cắm phần đất sát bờ ao, cạnh bụi tre, ngay chái căn nhà ngang của vợ chồng anh Trần Văn Út từng ở, và yêu cầu gia đình lập tức dựng ngôi miếu nhỏ tại điểm ông chọn.
Ông thầy này bảo rằng: “Gia đình đã mời các thần đến ngự, để trấn yểm long mạch, nên phá miếu đuổi thần đi, khác nào mở cửa rước quỷ vào nhà”. Ông thầy này yêu cầu dừng việc xây nhà, lập tức khởi công xây miếu. Khi nào xây xong miếu, mời các vị thần đến ngự, rồi muốn làm gì thì làm.
Khi đó, lời của ông thầy Dược kia là sấm truyền, đại gia đình họ Trần này đâu dám trái lời. Chỉ vài ngày xây dựng, ngôi miếu nhỏ, chỉ cỡ 2 mét vuông đã được hoàn thành. Tại ngôi miếu ấy, ngày đêm vợ con ông Rạng hương khói nghi ngút. Chẳng biết việc khói hương có giúp những người trong gia đình này giữ được tâm hồn thanh tịnh hay không, nhưng những câu chuyện thần bí, và khói hương mờ ảo dường như càng làm cho lời đồn thánh thần nổi giận vật người ở ngôi làng thoi loi giữa cánh đồng này càng thêm khủng khiếp, rợn gáy.
Cúng trăm ngày – ngày oan nghiệt
100 ngày mất của ông Trần Văn Rạng rồi cũng đến. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới thế mà ngôi mộ ông Rạng cỏ đã xanh rì. Trước hôm trăm ngày, bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Rạng, thường gọi theo tên chồng là bà Rạng, cùng con cháu ra đồng dẫy cỏ mọc lút gối. Nhìn cảnh cỏ mọc trùm kín, lấp mất tấm bia nhỏ, chỉ có nhõn tên tuổi và ngày tạ thế của chồng, bà Đào rưng rưng nước mắt.
Ông Rạng là trụ cột gia đình, là chỗ dựa của bà và con cháu mấy chục năm nay, ấy vậy mà… Bà thắp nén nhang, cầu mong ông ở nơi chín suối được ngậm cười, ông sống khôn chết thiêng phù hộ cho con cháu, chứ đừng gọi con cháu đi. Bà mời ngày mai ông về nhà, dự bữa cơm với con cháu, rồi linh hồn thanh thản về với cõi khác.
Lễ cúng cơm trăm ngày ông Rạng diễn ra ấm cúng. Con cháu khắp nơi kéo về đông đủ. Bàn thờ ông Rạng bài trí đơn sơ, với bát nhang, di ảnh, lọ hoa, chén nước, đĩa muối, bát cơm, quả trứng, ngọn nến leo lét cháy. Mâm cơm được bày trước bàn thờ. Con cái thắp nén nhang thơm. Ông Lưu thay mặt gia đình cúng bái, mời linh hồn ông Rạng cùng tổ tiên về thụ hưởng.
Phong tục cúng trăm ngày ở khắp đất Thái Bình đều như vậy. Người ta tin rằng 100 ngày sau khi chết linh hồn người chết vẫn còn quyến luyến người thân, hồn vía còn nặng, chưa thể siêu thoát được. Sau khi cúng trăm ngày, người chết sẽ đoàn tụ với tiên tổ, người sống cũng không nên quyến luyến nhiều nữa.
Thời điểm đó, cậu bé Trần Quốc Khánh mới 6 tuổi, con trai của anh Trần Văn Út và chị Vũ Thị Nhung từ nhà tắm đi ra, khăn tang quấn đầu, tíu tít theo mẹ đòi được cúng ông nội. Thằng bé Khánh sống với ông từ nhỏ, được ông nội bồng bế, chăm bẵm từ khi lọt lòng, nên quấn ông hơn cả bố mẹ. Mới 6 tuổi, nhưng Khánh khôn lớn, phổng phao, da trắng như bột, đôi mắt to, đen láy toát lên vẻ thông minh láu lỉnh.
Từ ngày ông mất, bé Khánh rất buồn, thi thoảng nhìn di ảnh ông nội, Khánh lại khóc đòi ông. Hôm trước, khi bà Đào và mấy người ra mộ ông Rạng dọn cỏ, Khánh cũng đi theo. Sớm hôm nay, mọi người thắp hương ở mộ, Khánh cũng thắp hương cho ông, đòi ông về bế Khánh. Do nghĩa địa xâm xấp nước, lầy lội bùn đất dính lên quần áo, nên được mẹ tắm táp cho sạch sẽ. Vừa tắm xong, Khánh đã đòi ngồi cúng ông nội cùng với mọi người. Bé Trần Quốc Khánh vừa ngồi xuống, chắp tay lại ông, chưa nói câu gì, bé bỗng ngã lăn ra chiếu.
Anh Trần Văn Việt nhớ lại: “Khi mọi người đang cúng, thì thằng Khánh bỗng ngã lăn ra chiếu, lên cơn co giật, sùi bọt ở mép, mắt cứ trợn lên. Cháu nó giống như bị ngạt thở, hoặc lên cơn đau tim đột ngột. Cháu không nói được gì. Chỉ vài phút sau, khi mọi người còn đang hoảng loạn, chưa biết tính toán thế nào, thì cháu đã tắt thở. Lúc đó, hàng chục người trong gia đình, rồi hàng xóm cũng lăn ra ngất xỉu hết. Tôi cũng lăn ra không biết gì nữa”.
Điều kỳ lạ, là cả chục người lăn ra ngất, nhưng lát sau thì tỉnh lại hết, riêng bà Đào, anh Út và vợ là chị Nhung là bị nặng nhất. Cả 3 mẹ con bà Đào đều bị những cơn co giật rúm người, mặt mũi méo xệch, mắt mũi trợn ngược, nhìn rất hãi hùng. Anh Út đang ngồi trên ghế mà cơn co giật mạnh đến nỗi đổ ghế bật ngửa ra sau bất tỉnh.
Đại gia đình đã xúm vào đưa bà Đào, anh Út, chị Nhung đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, bà Đào đã chết trên đường đến bệnh viện. Anh Út và chị Nhung thập tử nhất sinh trong bệnh viện, phải thở ôxi.
Tang lễ bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh diễn ra trong không khí sầu thảm. Người dân trong xóm xót thương, rơi lệ, nhưng chẳng ai dám đến tiễn đưa. Người ta chỉ dám đứng từ xa nhìn đám con cháu họ Trần đẩy xe tang, khóc thương ai oán.
Khi mộ bà Đào đã đắp xong, mọi người làm lễ cúng cơm 3 ngày, thì chị Vũ Thị Nhung được xuất viện. Mọi người đưa chị về nhà, để chị thắp nén nhang, quỳ gối trước di ảnh mẹ chồng, và khóc ngất trước di ảnh cậu con trai duy nhất. Không để chị Nhung ở lại lâu, gia đình đã đưa ngay về nhà cha mẹ đẻ ở xã Vũ Đông, để tránh thảm họa được đồn đại là “thánh vật” đang diễn ra thảm khốc tại nhà chồng.
Những ngày ở nhà bố mẹ đẻ, dù vô cùng đau buồn vì cái chết của mẹ chồng, của cậu con trai duy nhất, rồi người chồng đang đấu tranh giành sự sống với tử thần ở bệnh viện, nhưng chị Nhung không ngất lần nào. Thế nhưng, hễ cứ về nhà chồng, lập tức chị run lẩy bẩy, có dấu hiệu xảy ra hiện tượng bị co giật. Hãi quá, không ai cho chị về nhà nữa.
Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, rồi một số bệnh viện ở Hà Nội, anh Trần Văn Út đã được ra viện. Mọi người khuyên can nên về nhà vợ ở xã Vũ Đông ở tạm, chờ thời gian nữa hãy về nhà mình, nhưng anh Út không nghe. Anh bảo rằng, nếu thánh thần nhất quyết bắt anh, thì dù ở nhà vợ, hay ra nước ngoài, thánh thần cũng sẽ bắt được. Anh muốn về nhà, hương khói cho bố mẹ, anh trai và cậu con trai duy nhất.
Chị Nhung thấy chồng nhất quyết về, nên cũng can đảm theo chồng về nhà. Và mất mát tiếp tục diễn ra đối với gia đình ông Rạng, đó là sự ra đi đột ngột sau cơn co giật cứng người của anh Trần Văn Út.
Bữa đó, vợ chồng anh Út đang ngồi ăn cơm trên ghế, thì anh Út làm rơi bát, co rúm người, ngã vật xuống đất và tắt thở, không kịp trăng trối câu gì. Chị Nhung nhìn chồng ngã vật ra đất, bỗng cứng đờ người, không há nổi miệng kêu cứu. Cấm khẩu độ mấy phút, thì chị cũng bất tỉnh luôn. Mấy người thân trong gia đình đưa chị Nhung đi bệnh viện kịp thời, nên cứu sống được chị. Anh Út chết quá nhanh, không thể cứu nổi nữa.
Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch xã Vũ Tây: “Sự việc chết chóc xảy ra tại gia đình ông Trần Văn Rạng đến nay vẫn là bí ẩn, chưa ai giải thích được. Tôi là người theo dõi bi kịch gia đình ông Rạng từ đầu đến đuôi và quả thực thấy mọi người đều sợ hãi. Nhưng chuyện ấy đã trôi qua mấy năm rồi, giờ đã khép lại. Chỉ tiếc là rất nhiều nhà khoa học đã về nghiên cứu, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Còn việc đồn đại thánh vật thì tôi hoàn toàn không tin. Gia đình ông Rạng có phá cây hương thật, nhưng đó chỉ là cây hương nhỏ, ở trên đất nhà ông Rạng, nên ông ấy có quyền tự quyết. Việc phá cây hương là chuyện bình thường thôi, chứ có gì sai phạm về mặt tâm linh đâu. Hơn nữa, gia đình ông ấy cũng chỉ di chuyển cây hương ra chỗ khác, chứ có phải phá bỏ hẳn đâu.
Còn tiếp…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét