Trong bối cảnh công nghệ truyền thông ngày càng khẳng định vị trí đầu đàn, vượt trội, hầu như các ngành nghề trong xã hội muốn phát triển đều cần đến sự tiếp sức của PR, quảng cáo, quảng bá…
Trong bối cảnh công nghệ truyền thông ngày càng khẳng định vị trí đầu đàn, vượt trội, hầu như các ngành nghề trong xã hội muốn phát triển đều cần đến sự tiếp sức của PR, quảng cáo, quảng bá… Không muốn trượt ra ngoài quy luật ấy, nhiều nhà văn cũng lao vào PR cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, không nhiều người nhận thức được “tác dụng phụ” của việc “làm hàng” quá lộ liễu. Điều này vô tình gây nên nhiều ý kiến khen chê, bình luận.
Hữu xạ tự nhiên hương
Có một thời, các nhà văn ta như những con ong chăm chỉ lấy mật, không ồn ào, không màu mè, hơn thiệt nhưng bạn đọc nhiều thế hệ vẫn biết đến và ngưỡng mộ họ qua một cầu nối rất thiết thực là tác phẩm văn chương. Thực tế đã cho thấy, nhiều nhà văn không cần đến những “chiêu” PR rầm rộ vẫn được tìm đọc như hiện tượng. Những tên tuổi có thể kể đến gần đây như Nguyễn Nhật Ánh, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Tư... Xa hơn nữa là Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ…
Nếu ngày trước, nhiều nhà văn, nhà thơ được độc giả biết đến nhiều qua kênh… truyền miệng, nghĩa là đồng nghiệp đọc của nhau, “kháo” về nhau, công nhận nhau và giới thiệu nhau thì sau này, nhiều nhà văn trẻ được biết đến thông qua những sáng tác đều đặn và chắc tay trên các báo, tạp chí, nhất là các báo cho tuổi học trò. Vì thế, không lạ nếu có ý kiến cho rằng phần lớn những trụ cột của văn đàn đều trưởng thành từ những tờ báo dành cho tuổi học trò.
Tức là không cần đến một công nghệ PR trau chuốt và bài bản, nhiều cây bút văn chương của những thập niên trước vẫn được phát hiện và khẳng định được khả năng, vị thế của mình. Họ được ví như câu thành ngữ “Hữu xạ tự nhiên hương”. Không màu mè, không tô vẽ, không ảo tưởng về hào quang không có thực của văn học, họ đã làm nên ý nghĩa của công việc viết văn, đấy là mang đến những tác phẩm hay và thực sự có giá trị cho độc giả.
Nhà thơ. Hoàng Huy Hội viên TW Hội VHNT Trường Sơn-Hội Truyền Thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam |
Đến những chiêu PR nghiệp dư
Nắm bắt được nhịp điệu gấp gáp của đời sống hiện đại, ngoài những chương trình giới thiệu của các nhà xuất bản, nhà sách, nhiều người viết tìm cách PR cho tác phẩm của mình. Nhìn từ hai chiều, bên thực hiện và bên tiếp nhận, có vẻ như cách thức mà nhiều người viết đang làm thực sự chưa hiệu quả, thậm chí gây phản cảm cho độc giả, những người trong giới.
Internet là phương tiện được nhiều người viết văn lựa chọn để giới thiệu tác phẩm của mình. Tuy nhiên, bắt nguồn từ nhận thức chưa rõ ràng về chất lượng cũng như cái tầm tác phẩm của mình, nhiều tác giả đã ngộ nhận giữa giới thiệu, chia sẻ với quảng cáo, phô trương. Việc đưa tác phẩm đến với công chúng, đưa văn chương tiếp cận người đọc là cần thiết trong thời đại ngày nay. Nói trên lý thuyết là như thế nhưng việc các cây bút có trách nhiệm như thế nào với việc giới thiệu các trang viết của mình còn là cả một vấn đề.
Hãy thử nhìn vào kết quả của công cuộc PR gần đây của những người ngộ nhận mình là cây bút trẻ có triển vọng. Họ xuất hiện trên một số tờ báo một cách đều đặn, thể hiện quan điểm một cách đều đặn, thao thao về tác phẩm của mình một cách đều đặn mà ít ai biết họ là ai, có thành tựu gì trong văn chương. Thậm chí có nhiều người viết tự tung ra những bài ca ngợi về một cuốn sách thường thường bậc trung hoặc dưới mức trung bình của… mình dưới một cái tên trung tính nào đó, trên những trang báo câu số lượng truy cập. Chẳng ai biết đấy là đâu. Chỉ biết rằng nhiều người bị giật mình, lo lắng vì được tặng sách, vì thể nào tác giả cũng gửi gắm viết giúp một bài giới thiệu, điểm sách, ca ngợi, phân tích cái hay cái đẹp.
Cái hay của tác phẩm văn học là do tự thân độc giả cảm nhận. Sự áp đặt không mong muốn đã vô tình tạo nên một trào lưu “nhạt” nhưng khó dừng lại: ra sách - PR rầm rộ - độc giả hoặc tìm đọc vì tò mò hoặc bỏ qua vì quá nhàm trước những chiêu không mới - mất niềm tin vì chất lượng tác phẩm và chương trình, nội dung PR.
Nói như vậy không có nghĩa là không có những nhà văn có cách giới thiệu độc đáo và thông minh cho tác phẩm của mình. Nguyễn Quang Lập, Phong Điệp, Dương Thụy… là những trường hợp nổi bật. Văn học Việt cần lắm những cách đưa tác phẩm đến với độc giả tinh tế và chuyên nghiệp như thế.
Hoàng Huy-Trường Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét